Đóng BHXH 15 năm, tỉ lệ hưởng lương hưu tính thế nào?

Tin Tức

Từ ngày 1-7-2024, người lao động đóng BHXH tối thiểu từ 15 năm (thay vì 20 năm như trước) và đủ tuổi  nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu.

 

 

Theo báo Pháp luật TP.HCM, trước 1-7-2024, mức hưởng lương hưu dành cho người tham gia BHXH bắt buộc được quy định tại Điều 56 Luật BHXH năm 2014. Theo đó, lương hưu hằng tháng của người lao động nghỉ hưu được tính bằng tỉ lệ hưởng nhân với mức bình quân tiền lương tháng tham gia BHXH.

Thay đổi cách tính mức hưởng lương hưu

Trong đó, tỉ lệ hưởng lương hưu thấp nhất là 45% tương ứng với 20 năm đóng BHXH với lao động nam và 15 năm đóng BHXH với lao động nữ. Cứ thêm một năm đóng BHXH sẽ được cộng 2% cho đến khi mức hưởng tối đa bằng 75%.

Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội Khóa XV thông qua ngày 29-6 có nhiều điều chỉnh, bổ sung liên quan đến số năm đóng BHXH cũng như cách tính lương hưu của người lao động.


Bắt đầu từ ngày 1-1-2025, tỉ lệ hưởng lương hưu của khối nhà nước và tư nhân đều sẽ tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH toàn bộ thời gian. (Ảnh minh họa: HUỲNH DU)
Cụ thể, thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu được điều chỉnh tối thiểu còn 15 năm thay vì 20 năm như trước.

Về tỉ lệ hưởng lương hưu, đối với lao động nữ tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Đối với lao động nam, tỉ lệ hưởng tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 20 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH – tương ứng 15 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Trường hợp  nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định bị giảm tỉ lệ hưởng 2%. Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.

Cách tính lương hưu khối nhà nước và tư nhân

Điều 62 luật BHXH 2014 quy định về điều chỉnh mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu khu vực nhà nước với các mức bình quân 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm cuối trước khi  nghỉ hưu.

Thứ nhất, nhóm thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:

Tham gia BHXH trước ngày 1-1-1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ

Tham gia BHXH từ ngày 1-1-1995 đến ngày 31-12-2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi  nghỉ hưu.

Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2001 đến ngày 31-12-2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH từ ngày 1-1-2007 đến ngày 31-12-2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH từ ngày 1-1-2016 đến ngày 31-1-2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi  nghỉ hưu.

Tham gia BHXH từ ngày 1-1-2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Thứ hai, nhóm có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính toàn bộ thời gian tham gia BHXH.

Thứ ba, nhóm vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được tính như sau:

Tham gia BHXH từ ngày 1-1-2020 đến ngày 31-12-2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi  nghỉ hưu

Tham gia BHXH từ ngày 1-1-2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Các trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi

Người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm  nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:

– Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành.

– Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1-1-2021.

– Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

– Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1-1-2021 từ đủ 15 năm trở lên.

Chia sẻ bài viết: