GS Võ Tòng Xuân – hiệu trưởng danh dự của Trường đại học Nam Cần Thơ – vừa qua đời lúc 7h sáng nay 19-8 tại TP.HCM, sau một thời gian lâm trọng bệnh.
GS.TS Võ Tòng Xuân – Ảnh: CHÍ QUỐC
Sáng 19-8, tiến sĩ luật sư Nguyễn Tiến Dũng – chủ tịch hội đồng Trường đại học Nam Cần Thơ – cho biết GS.TS Võ Tòng Xuân – hiệu trưởng danh dự của nhà trường – đã qua đời vào lúc 7h sáng nay tại TP.HCM sau một thời gian lâm trọng bệnh.
Nhà giáo nhân dân – GS.TS Võ Tòng Xuân được biết đến là chuyên gia hàng đầu, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về nông nghiệp của Việt Nam, là chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực cho các nước trong khu vực.
Ông Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại An Giang.
Năm 1961, ông được học bổng du học tại Trường đại học Nông nghiệp Philippines ở Los Banos.
Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Lúa quốc tế (IRRI) tại Philippines.
Giữa lúc sự nghiệp đang thăng tiến tại Viện Lúa quốc tế với mức lương hàng ngàn USD mỗi tháng và môi trường làm việc tân tiến, tháng 6-1971 ông Võ Tòng Xuân khăn gói về Việt Nam làm việc.
Sau khi trở về nước, ông tiếp tục công tác tại Trường đại học Cần Thơ; cùng với các nhà nghiên cứu Nhật Bản tiếp tục thực hiện các đề tài liên quan đến kỹ thuật trồng lúa và công bố nhiều bài báo khoa học, phổ biến kỹ thuật và chính sách nông nghiệp.
Vào năm 1974, ông du học ở Nhật Bản và học tại Trường đại học Kyushu, với đề tài nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật trồng lúa tại vùng nhiệt đới và đã hoàn thành chương trình tiến sĩ nông học tại đây vào năm 1975.
Ông còn là một nhà sư phạm tài năng, nhiều tâm huyết với ngành, luôn trăn trở tìm ra những giải pháp tích cực để phát triển giáo dục, nâng cao dân trí.
Ông đã biên soạn nhiều giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ sản xuất nông nghiệp không những trong nước mà còn cho quốc tế.
Từ 1980 – 1992: ông là tác giả nhiều công trình khoa học nghiên cứu sử dụng đất phèn Đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu cây lúa cao sản; nghiên cứu hệ thống canh tác chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ năm 1990.
Năm 2003, ông là tác giả hai quyển sách, đồng tác giả một tác phẩm khác, chủ biên ba công trình, nhiều báo cáo khoa học; hướng dẫn công trình tốt nghiệp cho trên 150 kỹ sư nông nghiệp, 8 nghiên cứu sinh tiến sĩ và 12 thạc sĩ.
Đặc biệt những năm 1980 – 1985, ông đưa ra giống IR36, MTL30 phổ biến nhất ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
Anh hùng lao động, giáo sư Võ Tòng Xuân từng được Chính phủ Nhật Bản trao tặng “Huân chương Mặt trời mọc Tia sáng vàng và Ruy băng cổ” bởi những đóng góp lớn của ông trong nhiều năm qua, trên nhiều lĩnh vực.
iáo sư Võ Tòng Xuân từng trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Ông là đại biểu Quốc hội liền 3 khóa: II, III, IV.
Gần đây nhất, GS Võ Tòng Xuân xuất hiện trước công chúng là khi ông tham gia chương trình tọa đàm chủ đề “An ninh nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long” do Truyền hình Quốc phòng tổ chức ngày 29-6-2024
i chương trình này, ông đánh giá những thách thức về an ninh nguồn nước và đề xuất những giải pháp thích ứng và phát triển bền vững nền nông nghiệp của Việt Nam góc nhìn từ Đồng bằng sông Cửu Long.
1982-1997: Giáo sư Võ Tòng Xuân giữ chức phó hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ.
Tháng 12-1999 đến 11-2007: hiệu trưởng Trường đại học An Giang.
1996-2006: Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam
2010 – tháng 10-2013: hiệu trưởng Trường đại học Tân Tạo.
Từ 10-2013: ông là thành viên Hội đồng Sáng lập và sau đó là quyền hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ.
Hiện nay, giáo sư Võ Tòng Xuân là hiệu trưởng danh dự của Trường đại học Nam Cần Thơ.
https://tuoitre.vn/giao-su-vo-tong-xuan-qua-doi-sang-nay-20240819092826845.htm